93. Chiến lược Con rùa ( Turtle Strategy) hoạt động như thế nào?

.

Chiến lược Con rùa là kiểu chiến lược theo đuổi xu hướng thị trường và có thể được áp dụng với bất kỳ thị trường tài chính nào. Chiến lược này không bao gồm những dấu hiệu mua và bán cụ thể mà nó giống như một triết lý về thị trường dựa trên việc theo đuổi xu hướng và sử dụng các chỉ số phân tích và các phương pháp kỹ thuật để xác định xu hướng trong dài hạn. Một trạng thái được mở theo chiến lược này có thể được duy trì từ vài ngày đến vài tháng, có khi đến vài năm.


Tên của chiến lược này có thể đã được đặt một các hóm hỉnh bởi một trong những môn đệ của nó, Richard Dennis. Năm 1983, hai nhà đầu cơ nổi danh là R. Dennis và William Eckhardt đã đặt cược với nhau xem liệu một người hoàn toàn xa lạ, một người bình thường không hề có mối liên hệ nào với ngành tài chính, có thể đầu cơ và kiếm tiền nhờ kinh doanh tiền tệ sau khi được đào tạo một thời gian ngắn, hay anh ta phải có một vài phẩm chất cá nhân và kỹ năng cụ thể thì mới thành công?

W. Eckhardt cho rằng kinh doanh là một nghệ thuật chứ không phải khoa học. Có những người sinh ra để trở thành nhà kinh doanh thành công, và có những người chỉ đơn giản là không thể trở thành một nhà kinh doanh. Sẽ không có một Elvis Presley hay Rembrandt thứ hai bởi họ là duy nhất và tài năng của họ là quà tặng của tạo hóa. Trong khi đó, R. Dennis kịch liệt phản đối quan điểm của người đồng môn. Ông cho rằng mình có thể đào tạo bất kỹ ai sẵn lòng, dù người đó chỉ là một người qua đường trên phố, những kỹ năng giao dịch đã mang về cho ông hàng triệu đô-la lợi nhuận, nhưng với một điều kiện là người đó phải có mong muốn và sẵn sàng hoàn thiện bản thân để đạt được điều đó.
Cuối cùng, R. Dennis quyết định chứng minh mình đúng bằng thực tế. Lúc đó họ đều đang ở Singapore, và có một nông trại nuôi rùa cách không xa nơi họ ở. R. Dennis nói: “Chúng ta có thể tạo ra những nhà kinh doanh giống như họ nuôi rùa trong trạng trại này!” Và đó là câu chuyện về sự ra đời của “dự án rùa” từ lời cá cược của hai nhà kinh doanh lỗi lạc.
Hai bên tham gia cá cược cùng đăng quảng cáo trên ba tờ báo lớn nhất của New York là Wall Street Journal, Barron’s và New York Times để tìm ra những người muốn tham gia vào thử nghiệm này. Một nhóm mười người đã được chọn ngẫu nhiên không với bất kỳ một điều kiện nào. Chính R. Dennis dạy cho họ những kỹ năng kinh doanh và trao cho mỗi người trong số họ 1 triệu đô-la để quản lý và đầu tư trong vòng một năm. Sau khi bắt đầu được một năm, có thêm 13 người nữa cùng tham gia vào nhóm, và họ cũng được R. Dennis chỉ bảo rồi trao cho 1 triệu đô-la như những người trước. Như vậy là, rất lâu trước khi chương trình truyền hình nổi tiếng trên TV “Donald Trump’s The Apprentice” (Người học trò của Donald Trump) ra đời, R. Dennis đã thực hiện một trong những thử nghiệm vĩ đại nhất để nghiên cứu bản chất con người.
Bản thân dự án này, kết quả cũng như chiến lược kinh doanh của nó đã được mô tả lần đầu tiên trong cuốn sách “Con đường của Rùa” xuất bản năm 2007 mà tác giả là một trong những người tham gia thử nghiệm thành công nhất, Curtis M. Faith. Khi đó ông chỉ mới 19 tuổi. Nhà đầu cơ nổi tiếng Van K. Tharp, chủ tịch Học viện Van Tharp, đánh giá rất cao cuốn sách này và cho nó là một trong năm cuốn sách hay nhất về kinh doanh.
Như vậy là, sau năm năm kể từ ngày bắt đầu thử nghiệm, 20 người tham gia (ba người đã bị loại do không tuân thủ các điều kiện và nguyên tắc đã đề ra) đã mang về cho R. Dennis 100 triệu đô-la lợi nhuận. Chỉ riêng M. Faith đã kiếm được 31.5 triệu đô-la, nhưng anh này đã bắt đầu với số vốn 2 triệu đô-la của người thầy R. Dennis dành cho học trò giỏi nhất của mình.
Chiến lược kinh doanh được sử dụng rất đơn giản. R. Dennis đã tiết lộ cho những người tham gia dự án và sau đó là cho báo chí trong một cuộc phỏng vấn. Như ông từng nói, không cần phải che giấu bất cứ điều gì, “Tôi luôn nói rằng các bạn có thể cho đăng toàn bộ chiến lược của mình trên báo và sẽ chẳng có ai áp dụng chúng đâu. Điều quan trọng là bạn phải nhất quán và kỷ luật.”
R. Dennis đã chứng minh mình đúng một các vô điều kiện và trong bất cứ thời gian nào – kinh doanh chắc chắn là một nghệ thuật, chỉ có điều là người ta có thể học được môn nghệ thuật đó. Trong cuốn sách của M. Faith, bài học quý giá nhất mà ông muốn truyền đạt đó là thành công không nằm ở cơ chế giao dịch của bạn mà là cách bạn đưa nó vào thực tiễn. Yếu tố cơ bản nhất của thành công là bạn phải tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc và yêu cầu của chính cơ chế đã lựa chọn. Tại sao kết quả giao dịch của một nhóm 20 người được truyền đạt một chiến lược như nhau và có những điều kiện kinh doanh giống nhau lại khác nhau đến vậy? Chìa khóa của thành công nằm ở yếu tố tâm lý và tính kỷ luật giúp bạn luôn tuân theo những nguyên tắc đã đặt ra.
Kết quả tốt nhất ghi nhận được là lợi nhuận 100% mỗi năm. Và với mức lợi nhuận đó thì không có gì đáng ngạc nhiên là M. Faith đã biến số tiền 2 triệu đô-la ban đầu thành 31.5 triệu đô-la. Ông đã thành công bằng cách hoàn toàn tuân thủ những nguyên tắc được truyền đạt và với sự tin tưởng tuyệt đối vào hiệu quả của chúng. Điều này giải thích vì sao không phải tất cả những người tham gia vào dự án này đều tiến bộ như nhau – tâm lý con người rất khó đoán trước.
Dự án này là ví dụ hoàn hảo giải thích tại sao khi đặt con người vào những điều kiện như nhau lại vẫn cho ra những kết quả khác nhau do yếu tố tâm lý của chính những người tham gia.
Một bài học khác chúng ta có thể rút ra từ ví dụ trên là tâm lý thị trường đóng vai trò rất quan trọng và để thành công chúng ta phải có khả năng kiểm soát được cảm xúc trong những hoàn cảnh khác nhau của thị trường. Trong một lúc nào đó bạn có thể sai lầm và vì thế phải chịu thua lỗ. Nhưng điều gì sẽ khiến bạn tự tin? Đó chính là việc bạn biết rằng chiến lược của mình thực sự hiệu quả và sẽ cho ra lợi nhuận! Tất cả mọi người đều mơ ước về một chiến lược không thể bị đánh bại, có thể được áp dụng ở bất kỳ thị trường tài chính nào. Và sự thực là, có những chiến lược và lý thuyết đã chứng minh được hiệu quả của mình qua thời gian. Bên cạnh đó, chẳng có lý do gì khiến bạn nghĩ rằng chúng sẽ không hiệu quả trong tương lai. Bí mật nằm ở chỗ bạn phải học cách áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được vào việc kinh doanh của chính mình. Ví dụ, tất cả các nhà kinh doanh mới bắt đầu đều có khả năng xác định các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ giá. Nhưng không phải ai trong số đó cũng có sử dụng chúng một cách đúng đắn trong khi đưa ra quyết định giao dịch. Đó là lý do vì sao trước khi có được thành công, bạn phải học và hiểu cách giao dịch trước đã.
Theo chiến lược Con rùa, không cần thiết phải cố dự đoán những diễn biến tiếp theo của thị trường, chỉ cần hiểu rõ những gì đang diễn ra là đủ. Đó cũng chính là một trong những bài học cơ bản trong dự án đào tạo của R. Dennis – một nhà kinh doanh thành công luôn theo dõi thị trường và có thể đưa ra quyết định tùy theo tình hình hiện thời của nó. Phương pháp giao dịch trên cho phép nhà kinh doanh trải nghiệm nhiều chiến lược kinh doanh, nhưng những chiến lược mà những người tham gia dự án Con rùa áp dụng có rất nhiều điểm tương đồng với chiến lược theo đuổi xu hướng thị trường.
Yếu tố chính yếu của bất kỳ chiến lược kinh doanh nào là khung thời gian được sử dụng vào việc phân tích, và những dấu hiệu được dùng làm chỉ báo cho hành động bán và mua. Có hai loại chiến lược được sử dụng trong dự án Con rùa: trong trung hạn, các dữ liệu thị trường trong vòng 20 ngày được lấy làm cơ sở phân tích; còn trong dài hạn, dữ liệu thị trường trong 60 ngày được xem xét. Các chỉ số kỹ thuật được áp dụng trong phân tích là các kênh ATR, kênh Donchian, và hai hoặc 3 đường trung bình di động (đặc biệt, khi bắt đầu dự án, một chỉ số của 3 đường trung bình di động đã được sử dụng mà sau này Bill Williams đã đặt cho chúng tên chung là Alligator). Tuy nhiên, mục tiêu của dự án là sử dụng nhiều công cụ phân tích khác nhau chứ không phụ thuộc vào một chỉ số phân tích kỹ thuật duy nhất nào. Theo M. Faith, “bí mật thành công của chiến lược Con rùa – giao dịch có sử dụng đồng thời nhiều chỉ số - đã được công bố rộng rãi từ lâu. Điều quan trọng là khả năng tuân thủ nhất quán những nguyên tắc của nó.”
Bạn có thể tìm được thêm thông tin về dự án Con rùa và các chiến lược đã được sử dụng tại http://www.turtletrader.com
Vài dòng về Richard Dennis
Chương trình truyền hình “Market Wizards” của Jack D. Schwager đã có một cuộc phỏng vấn khá dài với Richard Dennis trong đó ông có kể lại tiểu sử của mình. R. Dennis sinh năm 1949 tại Chicago. Năm 1970 ông đã mượn của gia đình số tiền $1.600 rồi dùng $1.200 để mua một chỗ ngồi trên sở giao dịch Mid-America và $400 còn lại để giao dịch, Đến năm 1983 tài sản của ông đã tăng lên đến trên $200 triệu! Trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1987-1988, ông đã mất gần $50 triệu, điều khiến ông rời khỏi thị trường vào năm 1989. Trong một cuộc phỏng vấn với Jack Schwager, Dennis nói rằng ông quyết định ngừng đầu cơ và dành thời gian cho các hoạt động chính trị và từ thiện. Nhưng điều đó không kéo dài được lâu – năm 1994 R. Dennis quay trở lại kinh doanh, lần này tập trung vào các hệ thống giao dịch kỹ thuật, cũng chính là các chương trình máy tính có khả năng đưa ra các quyết định giao dịch tự động. Tại một trong những cuộc phỏng vấn gần đây nhất của mình, ông đã nói rằng đó là cách dễ dàng nhất để kiếm tiền.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Mời bạn cùng thảo luận.